Thư tự nhận mình lười đọc sách, là một CEO đường phố, uống rượu lâng lâng để “kinh doanh theo võ tuý quyền”. Mọi thứ Thư nói chẳng cao siêu, không triết lý, nhưng rất thật, rất khiêm nhường, cũng lại rất… “dửng dưng”.
Học từ thất bại, trưởng thành từ thất bại, Thư không cố gồng mình hay gai góc. Thư bình tĩnh.
Với Thư, tính cách của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào cá tính của CEO. Thư không than nghèo, kể khổ vì “chỉ truyền năng lượng tiêu cực”. Đồng thời, thay vì nói về vấn đề, vị CEO trẻ tuổi muốn các nhân viên dù ở cấp thấp nhất hãy chỉ ra giải pháp.
“7 năm tôi không nói xạo câu nào hết vì tự ý thức phải làm gương cho toàn bộ nhân viên. Tôi không muốn lấp liếm cho những phát ngôn sai sự thật của mình. Cũng không bao giờ sợ nhân viên nghỉ việc sẽ nói xấu công ty”, Thư nói, nhìn thẳng người đối diện.
Trong tuyển dụng, CEO Vua Cua không nhìn người, mà nhìn việc. Nếu những tính cách của nhân viên không ảnh hưởng tới công việc, Thư sẵn sàng chấp nhận.
“Con người gian, tham hay lương thiện đều là do lựa chọn. Lựa chọn thể hiện với ai, môi trường nào. Nếu quy trình chuẩn, họ sẽ tự bị đào thải nếu không phù hợp”, Thư đề cao việc xây dựng hệ thống công nghệ hoá.
Đặc biệt, Thư chưa bao giờ cho phép công ty mang tính chất gia đình, không để dù chỉ 1% tình cảm ảnh hưởng đến công việc. Kể cả người bạn gái đồng giới sống cùng 6 năm, khi bước vào công ty, Thư xem và đối xử như các nhân viên khác.
Được hỏi: “Lên Shark Tank để đánh bóng thương hiệu?”. Thư đặt vấn đề ngược lại: “Bạn nghĩ thành công của doanh nghiệp do nhiều người biết đến hay do doanh số của họ tăng lên?”.
Ví thương hiệu như cái bong bóng, Thư cho rằng: Càng thổi to lên, nó lại càng dễ vỡ.
“Nếu tôi không có kiến thức, tôi sẽ cứ làm thương hiệu, cứ nghĩ nhiều người biết thì sẽ thành công. Nhưng không, đừng nên làm như vậy”, CEO Vua Cua nhấn mạnh.
Khẳng định một cách gãy gọn, Thư cho rằng doanh nghiệp trước 3 năm, thậm chí trước 5 năm đừng tính đến chuyện marketing. Hãy sale sale và sale, tập trung kiếm tiền trước đã. Trừ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hay mối quan hệ quá mạnh.
Đến Shark Tank, Thư “lấy” được tiền lẫn kinh nghiệm, mối quan hệ. Để làm được điều đó, Thư tự tin chỉ ra 3 yếu tố: Minh bạch của doanh nghiệp, chân thật của CEO và đội ngũ quyết tâm.
“Tôi không ghét hay thích ai hơn ai, mà là chọn người phù hợp với mình trong từng giai đoạn. Tôi hợp tác với Shark Liên trong giai đoạn này vì có cùng điểm chung. Ngoài tiền, Shark Liên cho tôi niềm cảm hứng”, Thư tự hào khi Vua Cua được “cá mập” rót vốn thật sau chương trình.
Trước khi khởi nghiệp với Vua Cua, CEO Đoàn Thị Anh Thư đã nếm trải mùi vị thất bại ở 2-3 starup khác. Thư từng mất sạch vốn liếng từ công ty tổ chức sự kiện hay dự án kinh doanh hàng điện tử đem lại doanh thu cả tỷ đồng.
“Độ tuổi nào cũng sẽ có kiến thức, kinh nghiệm của độ tuổi đó. Tôi quá trẻ, lại từ hai bàn tay trắng. Tuổi trẻ được sự hăng máu như trâu ‘đụng đâu húc đó’, nhưng không có bản lĩnh, dễ từ bỏ. Tôi nghĩ khoảng 70% những thất bại đó do tôi từ bỏ. Nếu tôi cố gắng tới bây giờ chưa chắc tôi không thành công…”, Thư nghiệm lại.
Nhưng Thư cảm thấy mình may mắn. Vì khó khăn đến sớm, sẽ sớm trưởng thành. Giả sử khi 50 tuổi mới gặp phải thất bại, có lẽ khá trễ để bắt đầu lại. Ý tưởng kinh doanh ẩm thực đến với Thư giữa năm 2015. Trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi mới, Thư biết được đầu mối cung cấp cua Cà Mau rất ngon nên quyết định kinh doanh online.
4h hàng ngày, Thư một mình đến chợ đầu mối lấy cua đem về phòng trọ chế biến để kịp 8h rong xe khắp thành phố giao hàng cho khách. Căn phòng trọ rộng 9 m2 với chiếc bếp ga mini khiêm tốn là nơi Thư mày mò nghiên cứu ra các loại sốt nổi tiếng mà Vua Cua đang sở hữu như sốt tiêu đen, sốt trứng muối, sốt cà ri…
“Nhiều người khoái chí với những ảo danh, thích thú khi được người khác gọi là ‘giám đốc’. Nhưng mình càng sướng với những danh xưng người ta ca ngợi mình, mình càng dễ thất bại”, chính Thư đã từng như thế.
Từ khi làm Vua Cua, Thư luôn giữ cho mình trạng thái cân bằng. Bình tâm trước lời khen, kiềm hãm lòng tham. Để khi thị trường lên, Thư đi nhanh. Thị trường xuống, Thư đứng lại hoặc chầm chậm xuống.
Tôi khen Thư nói chuyện lưu thoát, lại hiểu biết nhiều. Thư nói: “Vì đó là về doanh nghiệp của tôi, tôi có thể nói cả tháng trời bởi chỉ cần nói sự thật. Những kiến thức tôi có là do trải nghiệm mà tích cóp được, chứ tôi lười đọc sách lắm”. CEO Vua Cua phá lên cười, chẳng chút ngần ngại.
Nhiều lúc ngủ dậy Thư bất ngờ về chặng đường doanh nghiệp đã đạt được, sợ “không biết có đủ sức lèo lái con thuyền này không?”.
“Tôi chưa từng nghĩ mình không học mà có được ngày hôm nay. Rất nhiều người nói ở Việt Nam dễ lắm, không cần học đúng chuyên môn vẫn có thể làm. Nhưng tôi nghĩ xác suất không cao. Rõ ràng người tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh phải làm tốt hơn người tốt nghiệp IT chứ”, Thư đề cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt đối với CEO điều hành doanh nghiệp.
Thư từng thu hút báo chí bởi màn “cứu doanh số” trong lúc kẹt ở Mỹ vì Covid-19 suốt 9 tháng, kể từ tháng 2/2020. Điều hành từ xa, Thư vẫn giữ bộ máy vào guồng, không để nhà hàng nào bị đóng cửa, đồng thời ra mắt thêm dòng sản phẩm mới.
Đánh giá làn sóng Covid-19 lần 4 khiến “khó khăn chồng chất khó khăn”, Thư không từ bỏ mà cho đó là điều phải xảy ra. Như cuộc thanh lọc các mô hình nhà hàng chưa đúng hoặc yếu kém trong vận hành.
“Cứ tưởng tượng đến những cánh đồng lúa ở miền Tây, nó tuy mỏng manh nhưng không gãy, kể cả khi cúi rập xuống đất. Doanh nghiệp cũng vậy, gió chiều nào phải ráng nương theo chiều đó”, Thư nói.
Trong khó khăn, bỏ qua chuyện chạy theo doanh số, điều Thư quan tâm là giữ lại được bao nhiêu người, siết được bao nhiêu loại chi phí. Chưa bao giờ Thư cho phép bộ máy dừng lại, dù thu nhỏ hay đi chậm nhưng buộc phải duy trì bằng được. Tránh ngủ đông khiến “cơ thể đông cứng”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần Thư khẳng định lòng tin vào hai từ “số phận”: “Tôi chưa từng nghĩ những điều mình làm được là tài năng, đó chính là số phận. Số phận muốn mình như vậy thì sẽ cho mình tài năng, cơ hội để mình thực hiện”.
Đầy hy vọng, Thư nói năm 2022 sẽ là năm đột phá của Vua Cua. Tôi cắt lời: “Tại sao Vua Cua dám khẳng định như vậy trong khi cả nền kinh tế lẫn các doanh nghiệp đang chật vật tìm cách phục hồi?”.
Thư búng tay tiếng “tách” khi tôi chỉ ra đúng bối cảnh. “Khi đối thủ đang lảo đảo, mình phải tiến lên xâm chiếm thị trường, cắm cờ lên ‘đỉnh Everest’”, tôi thấy rõ ngọn lửa quyết tâm đang rực lên trong Thư.
“Thị trường khi càng thu hẹp, sẽ mở ra thị trường mới và chắc chắn đối thủ của mình cũng sẽ biến mất rất nhiều. Trước đây có thể mình lấy được 1 tỷ trên 10 tỷ, nhưng nay mình vẫn lấy được 1 tỷ nhưng trên 3 tỷ. Những người còn sót lại sẽ lấy được thị trường còn sót lại và thậm chí phát hiện ra thị trường mới”, Thư tiếp tục giải thích.
Chuyển mình theo nhu cầu mua mang về và giao tận nhà của thực khách, Vua Cua đẩy mạnh hình thức nhượng quyền. Không thu phí nhượng quyền thời điểm bắt đầu, Thư xem đây là các điểm bán lẻ, giúp Vua Cua “phủ sóng”.
“Với mô hình này đối tác sẽ được Vua Cua đào tạo, hướng dẫn bài bản. Họ sẽ làm chuẩn hơn việc mình thuê nhân viên rất nhiều”, Thư nhận định.
Dự kiến trong năm 2022, Vua Cua sẽ có 164 điểm nhượng quyền; 134 xe Vua Cua Bike cùng 4 Vua Cua Kitchen. “Quá nhiều cơ hội, nếu bình thường sao có thể có cơ hội này”, Thư thốt lên sau khi chỉ ra các con số trông đợi.
Nhìn lại thời gian qua, hỏi Thư có sợ không? – Có. Có hoảng không? – Có luôn. Nhưng bằng nội tại, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, Thư tin Vua Cua sẽ thành công vì sản phẩm chất lượng cùng cái tâm đã đặt vào.
Làm việc hết mình, sống hết mình và cũng hết mình trong việc cho đi. Thư luôn cho rằng không cần giàu sang hay đếm mình có bao nhiêu tiền, mà hướng tới sự ổn định và chủ động trong tài chính. Để được ban phát tiền tài, vật chất mình có cho người khác. Bởi với Thư đó là niềm vui, khi “cho đi là còn mãi”…