HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM BÁNH TRUNG THU BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU TẠI NHÀ

HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM BÁNH TRUNG THU BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU TẠI NHÀ

Trung Thu là một dịp mọi người dành thời gian để quây quần bên gia đình. Và dĩ nhiên không thể thiếu được những chiếc bánh Trung Thu rồi.

Chỉ với chiếc nồi chiên không dầu bạn cũng có thể tự tay làm nên những chiếc bánh Trung Thu cho gia đình mình thưởng thức.

Vua Cua sẽ hướng dẫn cho bạn 2 cách làm bánh Trung Thu bằng nồi chiên không dầu siêu ngon ngay tại nhà. Tham khảo và làm ngay vài chiếc bánh handmade cho cả gia đình nhé!

Bánh Trung Thu nhân đậu xanh

Nguyên liệu làm bánh

Đầu tiên, chuẩn bị nguyên liệu làm bánh (cho 6 cái) như sau:

  • + 240 gram bột mì
  • + 160 gram nước đường
  • + 150 gram đậu xanh (đã cà sạch vỏ)
  • + 20 gram bơ đậu phộng
  • + 2 cái lòng đỏ trứng gà
  • + 30 ml dầu đậu phộng hoặc dầu ăn
  • + 100 gram đường
  • + 5 gram bột ca cao (hoặc bột trà xanh) để làm 2-3 lớp nhân
  • + 530 ml nước
  • + Sữa tươi không đường

Nguyên liệu làm nên bánh trung thu handmade thơm ngon

Các dụng cụ cần có:

  • + Nồi
  • + Máy xay sinh tố
  • + Chảo chống dính
  • + Khuôn bánh 125gr
  • + Nồi chiên không dầu

Đối với khuôn bánh, các bạn chuẩn bị khuôn nhựa lò xo hoặc không lò xo đều được, chọn kích thước khuôn tuỳ vào bạn muốn bánh lớn hay nhỏ. Nếu khuôn nhỏ hơn thì với số nguyên liệu này sẽ làm được nhiều bánh hơn.

Cách chọn mua đậu xanh ngon

Để có được chiếc bánh Trung Thu nhân đậu xanh thơm ngon thì cần phải có đậu xanh chất lượng. Đậu xanh ở đây là đậu đã được chế biến sạch vỏ, có màu sáng, không còn tạp chất và không bị ẩm mốc hay mối mọt.

Bạn có thể dễ dàng tìm mua được loại đậu xanh này ở siêu thị hoặc các cửa hàng tạp hoá nhé!

Loại đậu xanh cà không vỏ ngon

Tuy nhiên, nên kiểm tra một vài thông tin sản phẩm trước khi mua nhé, như hạn sử dụng và không dùng chất bảo quản để không ảnh hưởng đến mùi vị của bánh cũng như sức khoẻ của chúng ta nhé.

Cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu

Chuẩn bị nhân bánh

Trước tiên, với 150 gram đậu xanh chúng ta vo sạch và ngâm nước trong 2 tiếng.

Tiếp theo, vớt đậu ra để nấu cùng 500ml nước đến khi sôi. Để lửa vừa và nấu tiếp 20 phút cho đậu mềm. Trong quá trình nấu, dùng vá vớt bọt ra nhé. Đậu được nấu sẽ mềm hơn và xay nhanh nhuyễn hơn so với đậu hấp nhé.

Sau khi, đậu chín mềm chúng ta vớt ra và dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Nếu không có máy xay, bạn có thể dùng thìa để nghiền đậu và dùng rây để lọc cho hỗn hợp mịn màng hơn nhé.

Nấu đậu xanh rồi xay nhuyễn

Tiếp theo, đổ phần đậu xanh đã xay vào chảo cùng với 150 gram đường và nửa thìa cafe muối, trộn đều và sên với lửa nhỏ. Cho thêm 2 muỗng dầu ăn và tiếp tục đảo đều tay với lửa nhỏ.

Kế đến, dùng 1/2 muỗng canh bột mì hoà tan với 2 muỗng canh nước rồi đổ vào chảo đậu và đảo đều tay đến khi nhân sên lại thành một khối dẻo và không dính chảo nữa là thành công rồi nha.

Sên đậu xanh với lửa nhỏ đến khi không còn dính chảo

Ngoài ra, để tăng thêm độ đa dạng cho bánh, bạn có thể biến tấu phần nhân này khi kết hợp các nguyên liệu khác như trà xanh, cacao, mè, dừa, sầu riêng và các loại hạt. Nếu dùng hạt thì bạn nên rang chín chúng trước khi trộn với nhân nhé.

Sau đó chia nhân thành những phần bằng nhau và vo tròn lại. Nhớ dùng màng thực phẩm bọc kín nhân lại để không bị khô nhé.

Nhân đậu xanh được vo tròn

Chuẩn bị vỏ bánh

Đầu tiên, rây 240gr bột mì vào tô. Tạo một lỗ trống trong tô bột bằng thìa rồi cho lần lượt 160gr nước đường, 20gr bơ đậu phộng, 30ml dầu ăn, 1 lòng đỏ trứng gà.

Dùng máy đánh trứng để trộn các nguyên liệu lại với nhau. Nếu không có máy, bạn có thể trộn bột thủ công bằng cách dùng thìa, khuấy cho đến khi hỗn hợp hoà quyện vào nhau.

Sau đó, bạn dùng tay để nhào bột thành một khối dẻo. Nếu bột hơi khô thì bạn có thể thêm một ít dầu ăn hoặc nước đường rồi nhào lại.

Để bột nghỉ ở nhiệt độ thường khoảng 30-45 phút. Nhớ bọc bột bằng màng thực phẩm để bột không bị khô nhé.

Chuẩn bị trộn bột và chia đều bột vỏ bánh

Sau 30-45 phút, bột đã sẵn sàng để đóng bánh rồi. Lấy phần bột ra nhào lại lần nữa rồi chia thành 6 phần bằng nhau rồi vo tròn lại.

Đóng bánh

Cán mỏng từng viên bột để bọc vừa nhân, không nên cán quá rộng và nhớ dùng một ít bột rắc lên thớt để cán không bị dính nhé. Đặt viên nhân vào giữa, sau đó dùng tay miết cho vỏ ôm sát và bao kín hết phần nhân và các mép bột dính lại với nhau.

Sau khi đã bọc bánh xong, chúng ta bắt đầu đóng khuôn bánh nhé. Bạn có thể sử dụng khuôn nhựa lò xo hoặc không lò xo, khuôn gỗ, khuôn silicon với rất nhiều hoạ tiết khác nhau.

Đầu tiên, quét một lớp dầu ăn mỏng quanh thành khuôn để bánh không bị dính khuôn khi nén. Cho từng viên bánh đã vo tròn vào khuôn, dùng lực ép bánh và tạo hình cho bánh. Lấy bánh ra và đặt lên khay có lót giấy nến. Thực hiện lần lượt cho đến hết.

Nếu bạn làm số lượng bánh lớn, nên đóng bánh ngay sau khi vừa gói xong. Hoặc bọc viên bánh vừa gói bằng màng thực phẩm, tránh để bánh bị khô khi đóng sẽ không đẹp và sắc nét.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng khuôn nhựa không lò xo hoặc khuôn gỗ để đóng bánh. Chỉ cần dùng tay ấn chặt phần bánh vào khuôn, nên dùng sức vừa phải để bánh không bị nhão hoặc móp nhé.

Đóng bánh trung thu bằng khuôn gỗ

Nướng bánh

Nhớ vệ sinh bên trong nồi chiên để bánh không bị ám mùi nhé. Trước tiên, làm nóng nồi khoảng 10 phút ở nhiệt độ 150 độ C.

Sau đó, xếp bánh vào nồi và phun một lớp nước mỏng lên mặt bánh để giữ ẩm cho bánh. Và nướng trong 5 phút ở mức 150 độ C cho bánh chín. Rồi để ra ngoài cho bánh nguội hẳn.

Tiếp theo, chuẩn bị hỗn hợp lòng đỏ trứng và sữa để quét lên bánh gồm 4 muỗng cà phê sữa và 1 lòng đỏ trứng. Sau khi khuấy đều hỗn hợp, dùng cọ quét một lớp mỏng hỗn hợp lên khắp bánh. Và tiếp tục nướng lần 2 cùng mức nhiệt và thời gian như lần 1.

Quét hỗn hợp lòng đỏ và sữa cho vỏ bánh đẹp và thơm hơn

Để bánh nguội hẳn, trở mặt bánh và nướng lần 3 với mức nhiệt 150 độ C trong 5 phút.

Lúc này, bánh đã chín và vàng cả 2 mặt, bạn nên để bánh ở nhiệt độ thường qua 1 đêm sẽ giúp bánh mềm, ngon hơn và màu sẽ đẹp hơn. Lớp vỏ mềm vàng ươm cùng với nhân đậu xanh ngọt đậm đà kết hợp với trà xanh hoặc cacao sẽ tạo thêm mùi vị mới lạ cho món bánh này.

Đối với bánh tự làm, ngon nhất khi thưởng thức trong 3 ngày đầu tiên. Muốn bánh để lâu hơn thì bảo quản bằng tủ lạnh, nhưng bánh sẽ không còn ngon như lúc đầu nữa nhé.

Bánh Trung Thu nhân trứng muối

Bánh trung thu nhân trứng muối

Nguyên liệu

Chuẩn bị nguyên liệu cho 6 cái bánh như sau:

  • + 240gr bột mì
  • + 20gr bơ đậu phộng
  • + 2 lòng đỏ trứng gà
  • + 100ml dầu ăn
  • + 150gr đậu xanh (có thể thay bằng đậu đỏ)
  • + 6 quả trứng vịt muối
  • + 150gr nước đường
  • + 840ml nước
  • + 200gr đường cát
  • + 1 muỗng canh sữa tươi không đường
  • + cùng một ít rượu trắng để rửa trứng muối

Nếu bạn là tín đồ của sầu riêng, bạn có thể kết hợp 50g sầu riêng cho phần nhân nhé.

Cách làm bánh trung thu nhân trứng

Chuẩn bị nhân

Đậu xanh không vỏ đem đi vo sạch rồi ngâm 4-6 tiếng.

Sau đó, vớt đậu ra và nấu với nước và 1/2 muỗng cà phê muối trong 15 phút với lửa vừa. Tiếp đến, cho đường vào và nấu tiếp 5 phút cho đến khi gần cạn nước thì tắt bếp, để nguội. Kế đến đem xay nhuyễn bằng máy xay.

Cho phần đậu xanh nhuyễn vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ. Từ từ cho 2 muỗng dầu ăn rồi khuấy đều tay, rồi tiếp tục cho thêm 2 muỗng dầu ăn nữa, khuấy đều tay.

Khuấy 1.5 muỗng canh bột mì cùng 3 muỗng canh nước rồi cho từ từ vào chảo đậu xanh. Vừa đổ vừa khuấy đều cho đến khi thành một khối dẻo mịn và không dính chảo nữa. Dùng tay thử vo một phần nhỏ, nếu không bị chảy nhão là đạt nhé.

Cách làm nhân đậu xanh nhuyễn mịn

Nếu bạn muốn kết hợp thêm sầu riêng thì xay nhuyễn 50gr sầu riêng, sau đó cho vào sên cùng với đậu xanh sau khi thêm dầu ăn nhé.

Sau khi sên hoàn tất, cho nhân ra tô để nguội và chia thành 6 phần bằng nhau rồi vo tròn. Nhớ dùng màng bọc thực phẩm để nhân không bị khô nhé.

Chuẩn bị vỏ bánh

Dùng tô hoặc âu để trộn bột và các nguyên liệu nhé.

Rây 240gr bột mì vào tô, sau đó cho 150gr nước đường, 50ml dầu ăn và 1 lòng đỏ trứng gà vào, rồi dùng thìa khuấy đều cho hỗn hợp quyện vào nhau. Kế đến nhào bột bằng tay thành một khối dẻo mịn và không dính tay.

Nếu bột khô và dễ nứt bể thì bạn thêm một ít nước đường hoặc dầu ăn rồi nhào cho tới khi đạt nhé. Dùng màng thực phẩm bọc lại cho bột nghỉ khoảng 1 tiếng.

Chuẩn bị trứng muối

Trong thời gian chờ bột nghỉ, chúng ta sẽ chuẩn bị nhân trứng muối nhé.

Trứng muối bạn có thể mua hoặc tự làm để dùng. Thông thường, sau 3 tuần tự làm là có thể dùng được rồi nhé.

Tách trứng ra, loại bỏ lòng trắng và rửa dưới vòi nước chảy nhẹ cho sạch phần nhớt bên ngoài. Sau đó, cho vào tô đã bỏ sẵn rượu trắng, đảo đều rồi lấy trứng ra để ráo.

Tách lòng đỏ và sơ chế trứng muối

Tiếp đến, lót giấy nến có quét 1 lớp dầu mỏng vào nồi chiên không dầu. Xếp trứng vào và nướng ở mức nhiệt 170 độ C trong 5 phút. Nên để trứng trong nồi thêm 5 phút rồi mới lấy ra nhé cho trứng chín hẳn mà không bị khô.

Đóng bánh

Chia bột và nhân bánh thành 6 phần bằng nhau. Dùng tay để làm dẹp viên nhân đậu xanh rồi cho trứng muối vào, sau đó túm lại sao cho nhân đậu bao kín trứng muối.

Bọc nhân trứng muối và đậu xanh vào vỏ bánh

Kế đến, cán mỏng vỏ bột, đặt viên nhân đậu trứng muối vào giữa, dùng tay miết cho lớp vỏ ôm trọn phần nhân và miết các mép bột kín lại.

Quét một lớp dầu mỏng lên khuôn bánh rồi đặt viên bánh vào và bắt đầu nén bánh. Lấy bánh ra và đặt lên khay có lót giấy nến. Làm đến khi hết nguyên liệu.

Lưu ý, bọc nhân đến đâu thì đóng bánh đến đó, tránh để viên bánh bị khô khi đóng sẽ không đẹp đâu đấy.

Sau khi lấy bánh ra khỏi khuôn, đặt lên giấy nến

Nướng bánh

Trước tiên, làm nóng nồi trong 10 phút ở mức nhiệt 180 độ C.

Xếp bánh vào nồi có lót sẵn giấy nến và phun một ít nước lên mặt để bánh không bị quá khô. Nướng bánh với mức nhiệt 180 độ C trong 5 phút.

Khi bánh đã nguội, quét một lớp mỏng hỗn hợp 1 lòng đỏ trứng và 1 muỗng canh sữa tươi lên mặt bánh rồi nướng lần 2 ở 180 độ C trong 7-10 phút.

Tiếp tục nướng lần 3, trở mặt bánh và nướng với 150 độ C trong 5 phút là hoàn thành nhé. Bánh sau khi nướng sẽ hơi cứng, khi nguội bánh sẽ mềm và màu sẽ đậm hơn.

Nướng bánh bằng nồi chiên không dầu đơn giản và dễ dàng

Sau khi bánh nướng xong, để bánh nguội hẳn, cho bánh vào túi hoặc hộp và nên sử dụng trong 3 ngày đầu. Nếu muốn giữ bánh lâu hơn, bạn có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh nhưng bánh sẽ kém ngon đấy.

Cách nướng bằng lò nướng

Trong trường hợp nhà bạn không sử dụng nồi chiên không dầu, đừng lo, lò nướng cũng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nướng bánh cho bạn.

Trước tiên, cần làm nóng lò 15 phút trước khi đưa bánh vào. Lò nướng cần đảm bảo đủ hai luồng nhiệt trên và dưới để bánh chín đều nhé.

Nướng bánh lần 1 với mức nhiệt 180 độ C trong khoảng 8-10 phút (đối với banh 100 – 125 gr). Tuỳ theo kích thước lò mà bạn điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cho phù hợp. Nếu lò quá nhỏ thì bạn có thể giảm nhiệt độ thấp một chút. Hoặc là bạn nên sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt trong lò.

Nướng bánh trung thu bằng lò nướng dễ dàng tại nhà

Quan sát thấy bánh chuyển màu trắng đục thì lấy bánh ra rồi phun một lớp nước lên mặt bánh và để cho nguội hẳn. Sau đó, quét hỗn hợp trứng và sữa để tạo màu cho bánh.

Đem bánh đi nướng lần 2 ở 190-200 độ C trong khoảng 7 phút. Quan sát thấy mặt bánh khô và chuyển màu vàng thì lấy ra và tiếp tục phun nước, đợi khô và quét hỗn hợp trứng. Có thể quét 2-3 lần là vừa đẹp vì nếu quét nhiều thì phần trứng sẽ làm mờ đi hoạ tiết của bánh.

Bánh nướng xong sẽ chỉ có màu hanh vàng, hãy để bánh qua 1 đêm thì bánh sẽ mềm và ngả màu nâu vàng đậm đà hơn, các hoạ tiết sẽ sắc nét hơn. Phần nhân đậu có nhiều dầu nên sẽ làm cho bánh mềm nhanh hơn là nhân dừa và nhân thập cẩm.

Bánh sau khi nướng có màu nâu vàng đẹp mắt

Các lưu ý khi làm bánh Trung Thu

Một số sai lầm cần tránh khi làm bánh

Bạn không phải là thợ bánh chuyên nghiệp nên lần đầu tiên tự tay làm bánh thì khó tránh khỏi thành phẩm sẽ không hoàn hảo. Lưu ý những lỗi cơ bản sau đây nhé.

  • + Nhân bánh sên quá lửa khiến nhân cháy, bị chảy dầu hoặc nhân sên chưa tới làm nhân chảy nhão. Hoặc nhân quá khô không đổ dầu sau khi nướng làm bánh bị khô cứng.
  • + Bọc nhân không kín, làm lọt khí giữa lớp nhân và vỏ sẽ làm phần nhân bị tách rời với vỏ sau khi nướng.
  • + Vỏ bánh thiếu độ ẩm, bị khô, nứt khi bọc bánh và sau khi nướng do bột quá khô hoặc hỗn hợp trứng quét quá dày. Hoặc vỏ bánh bị mềm ướt sau khi nướng do nước đường quá nhiều hoặc sử dụng nước đường chưa đạt yêu cầu. Bạn lưu ý trộn bột đúng công thức, nếu bột quá nhão có thể thêm bột mì để chữa cháy nhé.
  • + Viên bánh sau khi bọc nhân nhưng không đóng khuôn khiến vỏ bột bị khô, khi đóng bánh không được sắc nét.
  • + Nước đường chưa đạt yêu cầu mà đem sử dụng sẽ làm bánh lên màu không đẹp. Ngoài ra, nước đường nấu chưa đạt còn nhiều hạt li ti dễ làm bánh hư hỏng.
  • + Nướng chưa đủ nhiệt độ làm bánh chín không đều hoặc nhiệt độ quá cao làm bánh bị phồng và biến dạng. Bạn lưu ý theo dõi nhiệt độ và quan sát bánh trong quá trình nướng nhé.

Cách bảo quản bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu mua ở ngoài thường được đóng kín và dùng túi bảo quản nên có thể để được lâu ở nhiệt độ thường. Đối với bánh trung thu nướng tự làm thì có thể sử dụng trong 1 tuần kể từ ngày nướng và bảo quản bánh ở nơi khô mát, tránh nhiệt độ cao và nóng ẩm.

Dùng túi để đóng và bảo quản bánh

Một cách kéo dài thời gian sử dụng bánh trung thu là bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng bánh sẽ kém ngon đi ít nhiều. Nên bỏ bánh vào túi hoặc hộp kín trước khi bỏ vào tủ lạnh. Và khi sử dụng, bạn nên hâm nóng lại bánh bằng lò vi sóng hoặc lò nướng nhé.

Tuy nhiên, bánh handmade nên sẽ hạn chế về hạn sử dụng, mặc dù bảo quản trong tủ lạnh nhưng bánh chỉ để được tối đa 15 ngày thôi nhé. Ngưng sử dụng khi phát hiện bánh bị mốc hoặc có mùi lạ nha.

Địa chỉ mua bánh Trung Thu thơm ngon mùa dịch

Bánh Trung Thu là một món ăn đặc trưng không thể thiếu vào dịp tết đoàn viên. Ngoài ra nó còn là những món quà ý nghĩa dành cho bạn bè, đồng nghiệp vào dịp tết này nữa. Hiện tại, vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên thị trường bánh trung thu có vẻ trầm lắng hơn so với mọi năm.

Tuy nhiên để tìm một địa điểm mua bánh trung thu trong mùa dịch cũng là một chuyện không quá khó nhé. Tham khảo ngay sản phẩm Bánh Trung Thu vừa quen vừa lạ là bộ 3 Bánh trung thu hải sản tại Vua Cua nhé.

Sự kết hợp giữa bánh Trung Thu truyền thống với các nguyên liệu độc đáo như cua, sò điệp và tôm cùng các loại sốt đặc trưng của nhà hàng mang đến cho khách hàng sản phẩm vô cùng mới lạ.

Sự kết hợp độc đáo giữa lớp vỏ truyền thống và nhân cua mới lạ

Lớp vỏ bánh vẫn mang hương vị và màu sắc truyền thống. Nhưng điều đặc biệt mà Vua Cua muốn mang đến cho khách hàng trong mùa Trung Thu này là nhân bánh với sự kết hợp độc đáo và mới lạ từ các nguyên liệu quen thuộc của nhà hàng Vua Cua.

Bộ 3 bánh trung thu thượng hạng kể trên gồm có:

  • Bánh nhân cua xốt X.O
  • Bánh nhân tôm xốt Cajun
  • Bánh nhân sò điệp sốt X.O

Ngoài ra, Vua Cua vẫn có 1 sản phẩm là Bánh trung thu Khoai lang tím kết hợp cùng trứng muối.

Bánh Trung thu vị khoai lang tím kết hợp với trứng muối

Với lớp vỏ bánh nướng theo công thức truyền thống mềm, mỏng cùng viên nhân được làm từ khoai lang tím của Đồng Tháp và trứng muối kết hợp cùng một vài gia vị đặc trưng của Vuacua sẽ mang đến cho bạn một sản phẩm độc đáo nhưng không kém phần chất lượng.

Hãy dành tặng cho người thân và bạn bè một món quà thật ý nghĩa, chất lượng nhưng không kém phần phá cách cho dịp tết Đoàn Viên thật mới mẻ nhé. Click ngay để tham khảo thêm những sản phẩm tại Vua Cua nhé.

Kết luận

Mùa Trung Thu năm nay có thể sẽ đặc biệt hơn, không đèn hoa nhộn nhịp như mọi năm. Nhưng Vua Cua hy vọng mùa Trung Thu sẽ trọn vẹn hơn với những chiếc bánh được tự tay các bạn làm ra dành cho cả gia đình nhé.

 

 

Bài viết: Vua Cua

Hình ảnh: Vua Cua & sưu tầm

Đang xem: HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM BÁNH TRUNG THU BẰNG NỒI CHIÊN KHÔNG DẦU TẠI NHÀ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng